Mụn là vấn đề lớn nhất của da và chị em cũng quan tâm nhất cách thức điều trị mụn sao cho hiệu quả. Để đạt được mục tiêu làn da sạch mụn, bạn cần nhận diện được các loại mụn trên mặt, từ đó có cách điều trị phù hợp. Cùng Phụ Nữ Đẹp tìm hiểu ngay thông tin hữu ích này ngay sau đây nhé!
Mụn đỏ
Mụn sưng tấy, đỏ và gây đau rất khó nhận diện vị trí của nhân mụn nên việc điều trị gặp khó khăn khi bạn không thể lấy được nhân mụn. Biến chứng của mụn này là gây ra mụn bọc, mụn nang kéo dài gây nguy hiểm cho da của bạn.
Để điều trị dứt điểm mụn đỏ, bạn cần giữ sạch da mặt đồng thời sử dụng kem, phấn trị mụn giúp giảm sưng, không còn bị viêm, nhân mụn được gom lại và chín cồi. Cồi mụn có thể tự tiêu hủy dưới tác dụng của các sản phẩm trị mụn hoặc dễ dàng lấy ra trong quá trình tẩy tế bào chết. Nếu cồi mụn cứng và hơi sâu, các bạn có thể đi spa lấy ra. Tuy nhiên chỉ lấy mụn khi mụn không còn sưng (hết viêm), cồi mụn đã chín, tránh tình trạng mụn viêm nặng thêm và lan sang những vùng da lành khác.
Mụn mủ
Mụn mủ thực chất cũng là mụn đỏ nhưng trong tình trạng bị viêm nặng hơn và bắt đầu có mủ vàng hoặc mủ trắng bên trong. Mụn mủ sưng to và đau nhức hơn mụn đỏ, tuy nhiên tình trạng mụn mủ chỉ mới viêm đến lớp nang lông nên mụn chưa thể gây ra sẹo lõm và thâm nhiều như mụn bọc. Bạn đọc có thể điều trị mụn mủ tương tự mụn đỏ nhưng cần lưu ý hơn nhằm tránh gây viêm nặng hơn hoặc lan rộng sang các vùng da khác.
Mụn bọc – Mụn dạng nang
Mụn bọc là loại mụn viêm với đường kính to hơn rất nhiều so với mụn đỏ hoặc mụn mủ, sưng đỏ, đa phần có rất nhiều mủ, gây đau nhức nhiều. Lúc này sự viêm nhiễm đã xâm nhập sâu dưới lớp tế bào da gây nên mụn bọc và cho dù có lành vẫn sẽ để lại sẹo lõm.
Bạn cần đến bác sĩ da liễu để được kê toa thuốc kháng sinh giúp kháng viêm, chống lại sự lây lan của vi khuẩn. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng viêm da để cho thêm thuốc chích (nếu viêm nặng, có dấu hiệu sốt), thuốc uống, thuốc thoa da (có chứa steroids). Ưu điểm của các loại thuốc trên là tác dụng rất nhanh và mạnh. Nhược điểm là dùng lâu dài sẽ làm da yếu hẳn đi, phụ thuộc thuốc, khi ngưng thuốc nếu giữ gìn và chăm sóc da không tốt sẽ bị mụn viêm trở lại với tình trạng nặng hơn, kéo dài hơn. Mụn bọc dạng viêm thường chứa nhiều mủ, có khả năng gây nhiễm trùng sang những vùng da lành xung quanh và khả năng lây lan này rất cao.
Mụn đầu trắng
Mụn đầu trắng được hình thành khi bã nhờn trên da tiết ra nhiều, kết hợp với tế bào chết gây tắc nghẽn lỗ chân lông, sinh ra mụn. Mụn có đầu trắng do nhân mụn nằm trong lỗ chân lông kín và có nhân cứng. Mụn không sưng, không đỏ, là những nốt rất nổi gồ lên bề mặt da mà nhiều khi không thấy rõ được bằng mắt thường trừ khi nhìn thật gần hoặc sờ vào bằng tay. Mụn có nhân trắng, cứng hoặc chưa có miệng cồi (mụn ẩn, mụn sần), nằm dưới da.
Các bạn không cần đi spa lấy ra mà vẫn có thể tự chữa trị tại nhà bằng phương pháp làm sạch da với dầu kết hợp với các sản phẩm trị mụn đầu đen, mụn ẩn. Tuy nhiên, nếu mụn quá nhiều và nhân mụn cứng, các bạn vẫn có thể đến spa để lấy ra bằng dụng cụ lấy mụn chuyên dụng của ngành thẩm mỹ. Nhân mụn sẽ được lấy ra dễ dàng và không để lại thương tổn nào trên mặt bạn. Tuyệt đối tránh tự nặn mụn bằng tay dơ, sẽ dễ dàng bị viêm nhiễm và dẫn đến mụn chuyển biến thành mụn viêm.
Mụn đầu đen
Mụn đầu đen là nốt mụn thường gặp và hầu hết ai cũng có. Chúng thường xuất hiện ở cằm, cánh mũi và hai bên má của bạn. Mụn đầu đen hình thành giống mụn đầu trắng nhưng do nhân trứng da nằm trong lỗ chân lông hở miệng, tiếp xúc với không khí bị oxy hoá nên chuyển sang màu đen ở trên, màu trắng ở dưới, nhân cứng, màu trắng đục. Mụn đầu đen là tổn thương sớm nhất của mụn, nếu không xử lí đúng có thể dẫn đến viêm sâu hơn và chuyển biến thành các dạng mụn nặng hơn.
Sợi tuyến bã nhờn
Đây không phải là một dạng của mụn, tuy nhiên lại rất thường xuyên bị nhầm lẫn với mụn đầu đen. Sợi bã nhờn thường nhìn thấy rõ nhất ở vùng mũi và vùng xung quanh mũi và hầu như tất cả mọi người đều có nó. Thực chất chúng chỉ là những ống rất nhỏ chứa bã nhờn (sebum) và khi da tiếp xúc với khói, bụi bẩn, môi trường không khí bên ngoài làm oxy hóa nên chúng thường có màu đen và nặn ra sẽ có dạng sợi mảnh, trắng. Đó không phải là mụn đầu đen như mọi người lầm tưởng nhưng nếu chúng ta không giữ da sạch, giúp da được thông thoáng đúng mức, chúng sẽ dễ dàng gây nghẽn lỗ chân lông và biến thành dạng mụn đầu đen.
Dạng sợi tuyến bã nhờn này không có cách điều trị cụ thể vì đây không phải là mụn. Nếu bạn cố tình dùng những biện pháp mạnh như hút, nặn, miếng lột mụn thì chúng sẽ trở lại ngay lập tức.
Tuy không thể chữa trị tuyệt đối nhưng bạn cũng có thể làm giảm sự xuất hiện của các chấm đen này bằng nước phấn trị mụn, xông hơi mặt với thảo dược tuần 1 lần và làm sạch da với dầu cleansing oil, nước hoa hồng. Đây là phương pháp làm sạch sâu cho da một cách nhẹ nhàng nhất.
Đọc thêm Top máy chăm sóc da tốt nhất hiện nay.