Thực phẩm giảm đau khớp ngày lạnh

1344

Theo Đông y, các bệnh đau nhức ở khớp xương đều nằm trong phạm trù “chứng tý” hay “bệnh tý”. Tý có nghĩa là tắc nghẽn không thông.

Bệnh âm ỉ kéo dài, thường kèm theo các rối loạn khác. Đau nhức làm ảnh hưởng đến thần kinh, cân cơ, bệnh nhân mất ngủ, chất lượng cuộc sống giảm sút.

Yếu tố gây bệnh là các loại khí phong, hàn, thấp, nhiệt, xâm phạm đến kinh lạc, cơ, khớp, làm cho sự vận hành của khí huyết bị tắc nghẽn,

không thông, gây ra sưng đau, hoặc không sưng, mà chỉ đau, tê, mỏi, ở một số khớp xương hoặc các khớp toàn thân, gây ra tình trạng vận động khó khăn.

Có thể điều trị không dùng thuốc, gồm tập luyện vận động, dưỡng sinh, đi bộ, tập thái cực quyền, yoga, xoa bóp, chườm nóng, châm cứu và ăn uống.

Ngoài ra dùng thuốc bên ngoài như đắp bó thuốc ở các khớp sưng đau và các loại dược liệu làm phương thuốc uống để chữa trị.

thuc pham nao giam dau khop

Một chế độ dinh dưỡng thích hợp sẽ rất có ích cho người bệnh, giúp giảm đau nhức các khớp. Những món ăn, bài thuốc có tác dụng kháng viêm,

giảm đau mà không hại đến dạ dày, ruột, gan, thận, bổ trợ cho việc điều trị, thu ngắn liệu trình và giảm thiểu liều lượng, giới hạn tác dụng phụ của thuốc.

Những loại rau củ màu vàng cam có tác dụng kháng oxy hóa, có thể giúp phòng tránh được một số dạng viêm khớp, giúp giảm đau nhức khi mắc bệnh. Ảnh: Fruit

Thịt, cá

Nên ăn các loại cá có chứa nhiều acid béo omega-3 (cá hồi, cá thu, các trích, cá mòi, cá ngừ, cá basa, cá bông lau, cá hú…), có tác dụng kháng viêm, giúp ngăn chặn và làm thuyên giảm các triệu chứng của chứng đau khớp.

Một số thủy hải sản như nghêu, sò, ốc, hến cung cấp nhiều calcium rất có ích cho hoạt động của xương khớp. Trứng, thịt gà vịt, cung cấp nhiều protein, tuy nhiên không nên sử dụng quá 70g protein mỗi ngày.

ca hoi co giam dau khop khong

Những thực phẩm nên hạn chế hoặc không nên sử dụng, vì có thể làm cho cơn đau tăng thêm như muối, đường, soda, sữa bò, bơ, phô mai, các loại thịt đỏ, mỡ và nội tạng động vật,

các thức ăn chế biến sẵn (thường có chứa các hóa chất bảo quản), các loại thức ăn uống lạnh, cà phê, rượu bia, thuốc lá.

Ngoài ra, để giúp giảm đau, chống viêm, bảo vệ lớp sụn giữa các khớp xương, nên uống đủ nước trong ngày, khoảng 2 đến 2,5 lít nước mỗi ngày. Tránh để cơ thể nhiễm lạnh, nhất là về đêm, không ngâm nước, làm việc nặng nhọc ngoài trời lạnh.

Rau, củ, quả

Nên ăn nhiều rau củ có màu đỏ vàng như cà rốt, cà chua, bí đỏ, ớt chuông, khoai lang nghệ, các loại rau có màu xanh đậm súp lơ xanh, rau bồ ngót, cải bó xôi, cải bẹ xanh, trái bơ, kiwi, đu đủ, thơm, bưởi, chanh, các loại quả mọng, nấm hương (đông cô), nấm tai mèo…

Các vitamin C, D, E và beta-caroten trong các loại rau, củ, quả, có tác dụng kháng oxy hóa, có thể giúp phòng tránh được một số dạng viêm khớp, giúp giảm đau nhức khi mắc bệnh khớp, bảo vệ bao khớp và đầu xương.

Vitamin C và D có khả năng cải thiện bệnh viêm xương khớp. Các thức ăn chứa vitamin E có tác dụng giảm đau, chống viêm.

Một số thực phẩm như gạo lứt, ý dĩ, khoai mài, đậu hũ, sữa đậu nành, hạt bí đỏ, hạnh nhân, quả óc chó…có tác dụng bảo vệ đầu xương trước tác dụng xói mòn của độc chất trong ổ viêm.

Các loại gia vị có tính ấm, giúp chống phong, hàn, thấp, giảm đau, như gừng, tỏi, nghệ, hành tím, hành tây, ớt, quế, rau thơm các loại cũng rất có ích cho người bị đau nhức khớp, nhất là khi trời lạnh.

Một số món ăn dễ thực hiện, ngon miệng, mà lại có ích cho người bị đau nhức khớp

Canh cải bó xôi, nấm hương

Nguyên liệu: Cải bó xôi 100g, nấm hương 50g, gia vị.

Cách làm: Cải bó xôi rửa sạch, thái nhỏ. Nấm hương ngâm mềm, rửa sạch, bỏ chân, cắt làm 2. Đổ nước vừa đủ vào nồi đun sôi, cho hai thứ trên vào nồi đun vừa chín. Nêm gia vị vừa ăn. Dùng ăn nóng trong bữa cơm.

Món ăn này có tác dụng thông kinh lạc, giảm đau, có ích cho người đang điều trị viêm khớp dạng thấp, đau nhức các khớp xương.

Cháo gạo lứt, ý dĩ

Nguyên liệu: Gạo lứt 100g, ý dĩ nhân 100g.

Cách làm: Vo sạch gạo lứt, ngâm nước hơn 2 giờ. Đãi sạch ý dĩ nhân, để ráo. Hai thứ cho vào nồi cùng một lượng nước vừa đủ, nấu sôi, hạ nhỏ lửa nấu cho đến khi gạo và ý dĩ nở chín nhừ là được.

Dùng vào bữa sáng và bữa tối. Món ăn này có tác dụng khu phong, tán hàn, trừ thấp, kiện tỳ, thông kinh lạc.

Cháo gạo lứt, tỏi, đậu đỏ

Nguyên liệu: Gạo lứt 100g, tỏi sống 20g, đậu đỏ 50g.

Cách làm: Gạo lức, đậu đỏ vo sạch, ngâm nước cho mềm. Hai thứ cho vào nồi cùng một lượng nước vừa đủ, nấu sôi, hạ nhỏ lửa nấu cho đến khi gạo lứt và đậu đỏ nở chín nhừ, thêm tỏi đã đập giập vào, nấu sôi lại là được.

Dùng ăn nóng khi đói bụng. Món ăn này có tác dụng khu phong, tán hàn, trừ thấp, giảm đau nhức.

Canh lá lốt

Nguyên liệu: Lá lốt 50g, tôm (hoặc thịt heo nạc) 100g, gừng tươi 5g, rau húng quế (hoặc lá ngải cứu), gia vị các loại.

Cách làm: Tôm (hoặc thịt heo nạc) làm sạch, xắt nhỏ, ướp gia vị. Lá lốt rửa sạch, xắt nhỏ, cho vào nồi cùng với lượng nước vừa đủ, nấu sôi, cho tôm vào, nấu thành canh (giống như nấu canh các loại rau khác), cho thêm ít gừng tươi giã dập.

Tắt lửa, cho lá rau húng quế (hoặc lá ngải cứu) xắt nhỏ vào khuấy đều là được. Dùng ăn nóng trong bữa cơm.

Món canh lá lốt giúp cơ thể được ấm áp, giảm đau nhức, chống tình trạng cơ thể ớn lạnh, nặng nề, buồn bực, không muốn hoạt động. Rất thích hợp cho người bị mắc mưa hoặc ngâm nước thời gian lâu, đau nhức khớp xương do các khí phong, hàn và thấp gây ra.

Lươn nướng lá lốt

Nguyên liệu: 500g lươn (1 con lớn), 30g lá lốt tươi, 20g đậu phộng rang, 2 muỗng cà phê tỏi băm, 1 muỗng gừng băm, 5g hành lá, 1 muỗng bột ngũ vị, 1 muỗng bột cà ri, 1 muỗng muối, 1 muỗng dầu điều, hạt nêm, tiêu, đường, dầu ăn, mỡ hành, rau thơm, chuối chát, khế chua.

Cách làm: Lươn làm sạch, lóc phi lê, bỏ xương, lấy thịt, cắt khúc vừa ăn. Ướp lươn với dầu điều, dầu ăn, muối, tiêu, đường, hạt nêm, tỏi băm, gừng băm, bột cà ri, bột ngũ vị, để thấm 10 phút. Lá lốt rửa thật sạch, để ráo.

Cuộn từng miếng lươn vào lá lốt, mang nướng vàng. Rau thơm nhặt rửa sạch. Chuối chát, khế cắt lát (ngâm nước chanh pha loãng để không bị thâm).

Cách làm nước mắm nêm: 1 muỗng canh mắm nêm + 2 muỗng cà phê đường + giấm + thơm băm nhỏ + tỏi, ớt băm, khuấy đều.

Xếp lươn nướng lá lốt ra đĩa, cho mỡ hành, rắc đậu phộng lên trên, ăn kèm với rau sống, chuối chát, khế, chấm mắm nêm. Món ăn này có tác dụng bổ dưỡng khí huyết, lợi tiêu hóa, nhuận trường, trừ thấp, giảm đau.

Xương heo hầm khoai sọ:

Nguyên liệu: Khoai sọ 60g, xương chân hoặc xương sống heo 100g. Gia vị các loại.

Cách làm: Khoai sọ gọt vỏ rửa sạch, xương lợn chặt thành đoạn ngắn, thêm muối, nước, gia vị. Đun nhỏ lửa trong 2 giờ, ăn ngày 2 lần.

Món ăn này có tác dụng khu phong, trừ thấp, giảm đau, dùng cho các trường hợp đau nhức tay chân, nổi ban dị ứng,.




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *