Tôi đang ở giai đoạn nào trong 5 mức độ tăng huyết áp?

1496

Tăng huyết áp được biết như là những kẻ giết người thầm lặng, nên việc kiểm soát huyết áp là rất cần thiết để hạn chế được những biến chứng từ tăng huyết áp gây ra. Theo dõi sức khoẻ của mình để phát hiện càng sớm mình đang ở giai đoạn nào của tăng huyết áp.

Huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của tim và sức cản của động mạch.

Huyết áp được thể hiện bằng 2 chỉ số:

  • Huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa): chỉ số bình thường từ 90 đến 139 mmHg.
  • Huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu): chỉ số bình thường từ 60 đến 89 mmHg.

5 mức độ tăng huyết áp và biểu hiện

# Tiền tăng huyết áp

Đây là giai đoạn đầu của tăng huyết áp tuy nhiên vẫn không nên xem thường vì nó sẽ tiến triển nhanh thành tăng huyết áp nếu không can thiệp kịp thời.

Huyết áp ở giai đoạn này trong khoảng 120/80-139/89 mmHg. Để chữa tăng huyết áp giai đoạn này bạn nên ăn ít béo, giảm mặn và tập luyện thể thao.

# Tăng huyết áp mức độ 1

Không có biểu hiện tổn thương các nội tạng và mạch máu. Tăng huyết áp giai đoạn 1 khi huyết áp đo được trong khoảng 140/90-159/99 mmHg. Giai đoạn này huyết áp tăng nhẹ, không có nhiều biểu hiện.

Bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc lợi tiểu thiazide để hạ huyết áp, đào thải chất lỏng và natri dư thừa, ngoài ra bạn sẽ cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.

# Tăng huyết áp mức độ 2

Có ít nhất một trong các biểu hiện tổn thương sau: Phì đại thất trái, hẹp một phần hoặc toàn bộ các động mạch vành, protein niệu vi thể, protein niệu hoặc tăng nhẹ creatinin huyết tương (1.2-2.0mg/dl), mảng vữa xơ động mạch tại động mạch chủ hoặc động mạch cảnh, động mạch chậu hoặc động mạch đùi có thể phát hiện bằng siêu âm, điện tâm đồ hoặc XQ.

Huyết áp sẽ ở mức 160/100-179/109 mmHg. Điều trị bằng thuốc lợi tiểu, thuốc hạ áp và theo dõi thường xuyên để tránh diễn tiến nặng hơn.

# Tăng huyết áp mức độ 3

Có đủ các biểu hiện chủ quan và khách quan do tổn thương nội tạng, bao gồm:

  • Tim: Đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim.
  • Não: Tai biến mạch máu não, đột quỵ thoáng qua, thiếu máu não cục bộ, rối loạn tâm thần do tổn thương mạch não
  • Mắt: Xuất huyết võng mạc và xuất tiết kèm hoặc không kèm phù gai mắt (biểu hiện của tăng huyết áp ác tính hoặc tăng huyết áp tiến triển mạnh)
  • Thận: Creatinin huyết tương > 2.0 mg/dl, suy thận
  • Mạch máu: Phình tách động mạch, tắc động mạch có biểu hiện cơ năng…

Cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra huyết áp, dùng thuốc hạ áp để tránh những biến chứng nặng nề.

# Tăng huyết áp đơn độc

Bao gồm:

  • Tăng huyết áp tâm thu đơn độc khi huyết áp tâm thu >140mmHg, huyết áp tâm trương bình thường (<90mmHg)
  • Tăng huyết áp tâm trương đơn độc khi huyết áp tâm trương > 90mmHg, huyết áp tâm thu bình thường (<140mmHg).

Trường hợp tăng huyết áp đơn độc sẽ không quá nguy hiểm nhưng vẫn cần theo dõi thường xuyên.

Những lưu ý khi đo huyết áp tại nhà

Tư thế: Bệnh nhân phải chọn tư thế ngồi thoải mái, thư giãn và thả lỏng cơ thể.

Vị trí đo huyết áp: Với máy đo điện tử, có thể đo huyết áp ở bắp tay hay cổ tay miễn là vị trí quấn vòng bít phải ngang với tim.

Nếu đo ở bắp tay có thể đặt cánh tay nằm ngửa trên mặt bàn với mép vòng bít cách nếp khuỷu tay khoảng 2cm. Nếu đo ở cổ tay thường phải gập cánh tay một góc khoảng 45 độ để cổ tay ngang với tim.

Trước khi đo huyết áp không được dùng các chất kích thích như rượu bia hay thuốc lá. Nên đo huyết áp ngày hai lần, buổi sáng trước khi uống thuốc và buổi chiều sau bữa ăn khoảng 1 giờ.

Trong trường hợp kết quả đo nhiều lần mà vẫn quá cao, quá thấp hoặc không trùng khớp với những chẩn trị bệnh trước đó thì cần đến gặp ngay bác sĩ chuyên khoa để có biện pháp điều trị phù hợp.

Ðừng quên là kết quả rất dễ sai lệch nếu máy đo sắp hết pin. Nếu cẩn thận nên thay pin mới và đo lại huyết áp.




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *